Thứ tư, 25/3/2009, 14h03

Bình Chánh: Giáo dục, y tế đều kêu khó

Sáng 24-3, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu Hà đã có buổi làm việc với huyện Bình Chánh về tình hình thực hiện phổ cập giáo dục bậc trung học; xây dựng cơ bản ngành GD-ĐT và cơ sở vật chất ngành y tế của huyện.
Trường và trạm y tế xây mới, sửa chữa: còn chờ
Theo báo cáo của ông Trần Trọng Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, hiện chỉ có Trường Tiểu học Vĩnh Lộc B (nằm ở khu tái định cư 30 ha) với quy mô 40 phòng học cùng một số khu phụ với tổng mức đầu tư 15,2 tỉ đồng (dự toán được duyệt từ năm 2007) đang ở trong giai đoạn xây dựng. Dự kiến trường sẽ hoàn thành và bàn giao vào tháng 8-2009. Còn Trường Mẫu giáo Hoa Lan nằm ở khu tái định cư An Phú Tây với 16 phòng học do Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn xây tặng và Trường Mẫu giáo Ngọc Lan nằm ở xã Đa Phước do Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà và Công ty THHH Thiên Hương xây tặng vẫn còn phải chờ đến quý II năm nay mới khởi công. Ông Tuấn kiến nghị: “Chấp thuận ghi kế hoạch vốn từ nguồn tập trung và phân cấp trong quý II năm 2009 để khởi công 5 công trình gồm: xây mới Trường Mẫu giáo Vĩnh Lộc B và Tiểu học Tân Kiên; mở rộng Trường THCS Bình Chánh, Tiểu học An Phú Tây và THCS Tân Túc; xây mới Trạm y tế xã Tân Nhựt và Trạm y tế xã Bình Chánh…”. Tuy nhiên, Phòng GD-ĐT lại không có trong danh mục dự án. Dù hiện nay, Phòng GD-ĐT huyện phải “lấy” một dãy phòng học của một trường THCS để làm việc! Còn ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM bức xúc: “Bệnh viện và cơ sở y tế nằm trên địa bàn huyện Bình Chánh đã và đang xuống cấp, đề nghị khẩn trương cho xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp”.
Sự nỗ lực của Bình Chánh
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh: “Cần quy hoạch mạng lưới trường lớp và cơ sở y tế chính xác, đầu tư như thế nào? Trang thiết bị ra sao? Phấn đấu xây dựng trường học và trạm y tế đạt chuẩn, đặc biệt là trường học; huyện cần quan tâm công tác khuyến học để động viên các cháu có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt định hướng nghề cho các cháu”. Đối với công tác định hướng nghề, bà Tô Thị Thanh Nga, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nói: “Tháng 1-2003, Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo 4 quận huyện, trong đó có huyện Bình Chánh phải xây dựng một trường trung cấp chuyên nghiệp với quy mô tối thiểu 15 ha đất và Sở GD-ĐT đã giao cho Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm làm nhiệm vụ hỗ trợ huyện xây dựng mô hình này. Nhưng huyện chỉ giao 5 ha đất, quá hẹp. Đề nghị huyện Bình Chánh xem xét mở rộng thêm đất cho Trường Cao đẳng Phú Lâm, tối thiểu được 10ha”. Trả lời đề nghị này, đại diện Ban quản lý dự án huyện Bình Chánh nói: “Chỉ 5 ha”. Chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP cách đây 6 năm có thể những lý do khách quan nên có chút thay đổi, nhưng khó có thể chấp nhận từ 15 ha xuống còn 5 ha. Trong khi huyện Bình Chánh không phải là địa phương khan hiếm đất đai.
T.T.Q