Thứ sáu, 28/6/2024, 10h30

Bản sắc bị xóa nhòa, EURO 2024 lại càng đáng xem hơn

Đội tuyển Tây Ban Nha không còn 'đóng đinh' với tiqui-taca, trong khi Ý cũng chẳng còn chơi phòng ngự tại kỳ EURO mà vốn dĩ ranh giới chiến thuật đã bị bào mòn.
Bản sắc chỉ còn là dĩ vãng
"Tây Ban Nha đã chơi vượt trội Ý. Họ trình diễn lối chơi kiểu mẫu mà chúng tôi muốn hướng đến", HLV Luciano Spalletti chia sẻ sau thất bại 0-1 của Ý trước Tây Ban Nha ở vòng bảng EURO 2024, trong trận đấu mà đội bóng áo thiên thanh hiếm khi lên bóng quá vạch giữa sân.
Nếu thủ môn Gianluigi Donnarumma không xuất sắc, Ý đã có thể thua đến 0-4, đúng với tỷ số ở chung kết EURO 2012, cũng trước Tây Ban Nha.
Đội tuyển Tây Ban Nha (áo đỏ) vượt trội Ý
Trở lại 12 năm trước, Tây Ban Nha thời điểm ấy đang ở giai đoạn cực thịnh của tiqui-taca - lối chơi kiểm soát trận đấu toàn diện được kế thừa từ Barca của Pep Guardiola. Tại sao lại gọi là "tiqui-taca"? Diễn giải dễ hiểu, "tiqui" là chuyền, "taca" là chạy. Lối chơi này lấy những đường chuyền và khả năng di chuyển làm huyết mạch trên khai bóng.
Cả Barca và Tây Ban Nha đều đan bóng nhuần nhuyễn, linh hoạt với những đường chuyền chuẩn xác như nhịp chạy của kim đồng hồ. Hai phần ba đội hình Tây Ban Nha ở giai đoạn đỉnh cao 2008 - 2012 được gọi lên từ Barca, nên các cầu thủ nhắm mắt cũng nhìn thấy sự nhuần nhuyễn. Đội tuyển có biệt danh "La Furia Roja" sao chép bản sắc từ CLB để làm định hướng cho mình.
Tuy nhiên đến thời Barca tụt dốc, Tây Ban Nha trải qua tròn một thập kỷ không có triết lý cụ thể nào. Trước khi tất cả nhận ra: để thành công, có lẽ cũng chẳng cần tuân theo một khuôn mẫu lối chơi nào.
Trước EURO 2024, HLV Luis de la Fuente từng dẫn dắt các đội trẻ Tây Ban Nha. Có lẽ thời gian huấn luyện cầu thủ trẻ cho De La Fuente góc nhìn cởi mở với thay đổi.
Tây Ban Nha đã thống trị vòng bảng nhờ lối chơi vẫn dựa trên nền tảng tấn công, nhưng không phải tiqui-taca như thời Vicente del Bosque và Luis Enrique, mà mềm mại và đa diện hơn.
Lối chơi Tây Ban Nha mới mẻ và hiện đại
Chuyền dài, đảo cánh, có lúc dồn bóng để những sao trẻ như Nico Williams hay Yamine Lamal xử lý, Tây Ban Nha không thuần túy kiểm soát bóng, mà còn pressing quyết liệt, làm chủ không gian tốt, thậm chí thu mình phòng ngự khi cần.
Tương tự là trường hợp của Đức, đội bóng cũng được khen ngợi ở vòng bảng. Song quả thực để diễn giải lối chơi của Đức, chỉ có thể nói rất chung chung: khoa học, kỷ luật, pressing tốt và đa dạng. Không thuần túy tồn tại bản sắc cụ thể trong lối chơi của những đội như Đức hay Tây Ban Nha.
Không có khuôn mẫu thành công
Với đội tuyển quốc gia, rất khó xây dựng bản sắc, bởi các cầu thủ chỉ có vài đợt tập trung mỗi năm, lâu lâu gặp nhau một lần.
Thành công của Tây Ban Nha và Đức trước đây được kế thừa chủ yếu ở CLB, lần lượt là Barca và Bayern Munich. Trùng hợp là cả hai đội này đều có dấu ấn của Pep Guardiola, một trong không nhiều HLV hiện tại còn huấn luyện bằng triết lý.
Còn hiện tại ở EURO 2024, không khó nhận ra các đội tuyển đang trình diễn lối đá... na ná nhau về cách pressing hay phản công. Không còn sự khu biệt về bản sắc, rằng nhất định đội này phải đá thế này hoặc thế kia.
Georgia thắng thuyết phục Bồ Đào Nha
Pháp vô địch World Cup 2018, hay Bồ Đào Nha đăng quang EURO 2016 mà không cần bản sắc. Hay chính đội Ý xưa giờ nổi tiếng phòng ngự, nhưng lại vô địch EURO 2020 với hình hài tấn công quyết rũ của Roberto Mancini.
Nếu phải đúc rút công thức thành công của những nhà vô địch gần nhất, chỉ có thể nói rằng những đội tuyển này thích nghi với hoàn cảnh tốt hơn, duy trì hệ thống chơi bóng và phong độ ổn định hơn phần còn lại.
Mà để có những yếu tố trên, tốt nhất đừng đá theo một bản sắc cụ thể nào để tránh bị bắt bài. EURO 2024 vì thế có thể nhạt nhòa trên khía cạnh chiến thuật, nhưng lại khó đoán.
Ranh giới chiến thuật hẹp lại đồng nghĩa cách biệt trình độ ngắn đi. Một đội tuyển vô danh như Georgia có thể quật ngã Bồ Đào Nha, bảng đấu có 4 đội cùng 4 điểm, hay những đội tuyển Anh, Pháp đầy ngôi sao vẫn chơi trầy trật... là minh chứng cho một kỳ EURO còn nhiều điều đáng để nói.
TT (theo thanhnien)