Thứ năm, 27/6/2024, 13h21

Đề ngữ văn quen thuộc, sĩ tử nhẹ nhàng bước qua môn thi đầu tiên

Nhiều giáo viên đánh giá đề thi ngữ văn tốt nghiệp THPT năm 2024 khá quen thuộc, không đánh đố, thí sinh dễ dàng vượt qua, kiếm điểm 7 không khó.


Thí sinh phấn khởi khi hoàn thành bài thi môn ngữ văn tại điểm thi Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1)

Thạc sĩ Võ Minh Nghĩa - giáo viên ngữ văn Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) đánh giá, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vừa sức và phù hợp với trình độ tư duy của học sinh.

Cụ thể, phần đọc hiểu năm nay giàu chất văn, giàu giá trị giáo dục và đặc biệt là rất hay khi chạm được vào những triết lý của cuộc sống. Học sinh được dịp trăn trở và suy tư về sự tiếp nối giữa các thế hệ. Đề đọc hiểu có sự đồng bộ hóa với chủ đề của đoạn văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

“Điểm sáng và hay nhất của phần đọc hiểu năm nay nằm ở chỗ: Học sinh sau khi làm đọc hiểu xong thì với tư duy giữ gìn văn hóa của dòng chảy ngàn năm thì đến phần viết đoạn nghị luận xã hội lại là một sự bổ khuyết, tương hỗ cho chủ đề đó là tôn trọng cá tính của bản thân. Nghĩa là chúng ta là sự kế thừa nhưng cũng phải là chính mình là sự khẳng định nhân vị của mình trong dòng chảy của lịch sử. Đây là sự liên kết rất tinh tế trong ý tứ của người ra đề” - ThS. Nghĩa nhận định.

Đối với phần đoạn trích Đất nước, giáo viên này cho hay, đây là đoạn trích rất hay và quen thuộc trong chương trình. Và với 18 câu đề chọn để ra thi thì gần gũi với sự giảng dạy của thầy cô trên trường.

Dù vậy, đoạn trích ra thi yêu cầu học sinh có sự am hiểu về văn học dân gian, kiến thức văn hóa dân tộc sâu rộng thì mới viết hay và sâu sắc. Bên cạnh đó, câu hỏi phụ của đề cũng ở trình độ tư duy cao khi yêu cầu học sinh đưa ra nhận xét sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của tác giả.

“Theo tôi, đây là phần phân loại học sinh rõ rệt nhất của ranh giới những em có mức học lực trung bình và khá giỏi. Tóm lại, với Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, Chương trình 2006 của môn ngữ văn đã khép lại trong sự hân hoan và niềm vui của học sinh. Vậy là chấm dứt một chặn đường đồng hành của Chương trình GDPT 2006 của nền giáo dục Việt Nam” – ThS. Võ Minh Nghĩa đánh giá thêm.


Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh)

Tương tự, thầy Đỗ Đức Anh - giáo viên ngữ văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) đánh giá, đề thi không khó, không gây bất ngờ, không có đột phá. Về cơ bản, cấu trúc và cách hỏi tương tự như các năm trước. Các thí sinh có quá trình ôn luyện chăm chỉ và có kỹ năng làm bài có thể đạt 7 điểm trở lên. Đề thi cũng không dài mà vừa phải, gói gọn trong một mặt giấy A4. Mức độ kiến thức trong đề thi phù hợp để xét tốt nghiệp song sẽ khó mang tính phân loại để xét tuyển vào đại học.

Cụ thể, ở phần đọc hiểu, thầy Đức Anh cho biết đây là một văn bản văn xuôi đã lấy hai đoạn văn trong văn bản Dòng sông và những thế hệ của nước của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Ngữ liệu có độ dài vừa phải, diễn đạt dễ hiểu, vấn đề nội dung đặt ra trong bài viết cũng hay, có tính khơi gợi và có giá trị thẩm mỹ, giá trị giáo dục.

Bốn câu hỏi của phần đọc hiểu tương đối dễ, học sinh dễ kiếm điểm tuyệt đối phần này nếu làm bài kỹ lưỡng. Trong đó, câu 1 và câu 2 thuộc kiểu "chống liệt", chỉ cần chép từ văn bản ra là có điểm. Với câu 3-4, thí sinh phải hiểu vấn đề thì mới trả lời được tác dụng của việc liên tưởng so sánh dòng chảy của con sông với lịch sử của sự sáng tạo nghệ thuật và rút ra bài học về lối sống cho bản thân.

Câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh viết đoạn văn bàn về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính, theo thầy Đức Anh đây là vấn đề thú vị, mang tính giáo dục cao, gần gũi, phù hợp tâm lý học sinh lớp 12 trước ngưỡng cửa đang muốn khẳng định mình. Thí sinh có kỹ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội sẽ có thể dễ dàng xử lý tốt câu này trong thời gian ngắn.

Câu nghị luận văn học gọi tên tác phẩm Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm - một trong những tác phẩm có tần suất xuất hiện nhiều nhất trong vòng 10 năm qua (4 lần). Tác phẩm có lẽ nằm trong dự đoán ôn trọng tâm của nhiều thí sinh, nên khi phát đề thí sinh không quá bất ngờ.

“Đoạn thơ không quá dài, nhưng có nhiều vấn đề gợi mở nhiều luận điểm, nhiều ý cần phân tích, đòi hỏi thí sinh phải biết xử lý đề, có kỹ năng làm bài, biết phân bổ thời gian hợp lý khi làm thì mới kịp thời gian. Ngoài yêu cầu chính là phân tích đoạn thơ, đề còn một yêu cầu phụ để phân loại thí sinh là nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn trích. Phần này dù thuộc phong cách thơ rất đặc trưng của Nguyễn Khoa Điềm nhưng có lẽ sẽ khiến nhiều thí sinh lúng túng. Đây cũng được xem là phần kiến thức phân loại thí sinh” - thầy Đức Anh phân tích.

Yến Hoa