Thứ năm, 27/6/2024, 14h14

Giáo viên Đà Nẵng: Đề thi ngữ văn thú vị và có cấu trúc quen thuộc

Theo nhiều giáo viên môn ngữ văn nhận xét, đề thi ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 thú vị và có cấu trúc quen thuộc. Thí sinh không bị đánh đố và không quá khó để có thể giải quyết được bài làm ở mức phổ điểm 6 đến 7 điểm.


Thí sinh Đà Nẵng hoàn thành môn thi ngữ văn sáng 27-6

Cô Nguyễn Thị Ngọc Thảo, giáo viên ngữ văn, Trường THPT Thanh Khê (TP.Đà Nẵng) cho rằng, cấu trúc đề thi quen thuộc. Với cấu trúc chia làm 2 phần: Phần đọc hiểu (3 điểm), phần làm văn (7 điểm) là cấu trúc ổn định trong những năm gần đây, học sinh đã quen thuộc với cấu trúc này nên sẽ không cảm thấy bỡ ngỡ.

Câu nghị luận xã hội phù hợp lứa tuổi của học sinh và thế hệ trẻ bây giờ. Thông qua câu hỏi, các em có thể bày tỏ quan điểm của mình. Học sinh sẽ khá thích thú với vấn đề này nên có nhiều ý để viết. Câu nghị luận văn học, đoạn trích bài Đất nước đã được giáo viên dạy và ôn tập kỹ trong chương trình học lớp 12 nên nhiều em sẽ nắm chắc, có khả năng làm tốt.

Cô Thảo cũng cho rằng, đề thí năm nay khá dài. Học sinh khá giỏi có thể đạt điểm cao trong dòng chảy cảm xúc, nhưng học sinh trung bình có thể sẽ bị mất thời gian đắn đo suy nghĩ nhiều. Điều này có thể dẫn đến bị mất điểm ở phần đọc hiểu và khó phân tích hết được cả đoạn trích Đất nước như trong đề thi yêu cầu, nhất là đưa ra nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của tác giả.

Cũng nhận xét về đề thi môn Ngữ văn, thầy Nguyễn Đình Hòa - giáo viên Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) nhìn nhận, câu nghị luận văn học năm nay khá thú vị. Một phần vì đoạn trích Đất nước là một ngữ liệu hay, nhiều năm nay chưa xuất hienj trong đề thi tốt nghiệp THPT. Phần khác, đời sống xã hội đang có nhiều quan tâm đến Đất nước. Đây là năm cuối cùng thi theo chương trình 2006 và đoạn trích Đất nước là một lựa chọn hợp lý. Câu hỏi phân loại cũng tương đối đơn giản, bám sát đặc điểm phong cách thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và được thể hiện khá rõ nét trong đoạn trích. Tuy nhiên, với học sinh có lực học yếu, học lệch thì khó đạt điểm cao ở câu hỏi này.

Câu hỏi đọc hiểu tương đối nhẹ nhàng, thí sinh dễ dàng dựa vào ngữ liệu để trả lời nên đa số học sinh sẽ đạt điểm cao phần này. Bài nghị luận xã hội nêu lên vấn đề tôn trọng cá tính khá gần gũi với đối tượng học sinh. Các em sẽ rất hứng thú và có cảm giác tự tin, thoải mái khi viết bài nghị luận xã hội nhưng sẽ có một số thí sinh lúng túng khi đưa dẫn chứng để thuyết phục người đọc.

Theo thầy Nguyễn Đình Hòa, với đề thi kể trên, phổ điểm có thể sẽ dao động từ 6,5 đến 7,5 điểm chiếm đa số.

Vĩnh Yên