Thứ sáu, 28/6/2024, 11h18

Trường học hạnh phúc là cho trẻ tình yêu thương bằng cái tâm và trách nhiệm

Là bậc cha mẹ chắc rằng trong chúng ta ai cũng muốn con cái mình đến trường trong một vòng tay an toàn và hạnh phúc, là một nơi được chào đón, quan tâm, trân trọng. Là những người làm công tác giáo dục, chúng ta cũng ra sức tìm kiếm những phương pháp, những cách xây dựng để cho một lớp học, một ngôi trường hạnh phúc.


Cô giáo và học sinh một trường mầm non ở TP.Thủ Đức trong ngày lễ tổng kết

Chúng ta có rất nhiều hình ảnh đẹp trong những trang website giới thiệu về trường lớp, các trường tư thục, quốc tế thì càng rất nhiều hình ảnh mang xu hướng quảng cáo, mang tính chất để tạo sự tin tưởng của phụ huynh, và vô chừng cũng hình thành nên sự chủ quan của phụ huynh học sinh, có lẽ, vì sự “ngủ quên trên chiến thắng”, trên những hình ảnh báo cáo, mà quên chăng sự yêu thương và quan tâm, bảo vệ một đứa trẻ phải xuất phát từ trái tim yêu thương chân thật của một người làm giáo viên. Đó chính là cái tâm của nghề giáo, cái tâm để thực hiện nhiệm vụ thật sự vì cảm xúc, vì an nguy của một đứa trẻ, để từ đó ra sức bảo vệ nhiệm vụ công việc mà xã hội đã giao phó.

Trường học nào cũng vậy, môi trường nào cũng cần sự quan tâm của người lớn dành cho trẻ con. Chính cái sự quan tâm đó sẽ tạo thành cái động lực, cái nguồn cơn để chúng ta ra sức bảo vệ, dấn thân, hơn nữa là sự đấu tranh cho sự công bằng của một đứa trẻ. Những ngày cuối năm học, tôi là một giáo viên, cũng là một phụ huynh học sinh, bận rộn với những việc thuộc về trách nhiệm của mình, tuy nhiên tôi cũng rất quan tâm đến trường một bạn nhỏ học lớp một ở Hải Dương, vì mẹ không đồng ý góp 100 ngàn đồng cho con ăn liên hoan, nên sự việc trở nên nghiêm trọng khi người mẹ này đã đăng câu chuyện lên mạng xã hội. Sự việc rất nhỏ, số tiền không đáng là bao, khi người ta không biết nghĩ đến cảm xúc của con trẻ, câu nói ông bà xưa dạy chắc là không còn phù hợp với họ chăng? “Thương nhau chín bỏ làm mười, khi ghét nhau rồi trái bồ hòn cũng méo”, vì không thích nhau ở cách làm này, cách ứng xử nọ, nên chuyện bé thì xé ra to, nhưng tôi nói ở đây, chính là cách người lớn ứng xử là của người lớn, nhưng hậu quả để lại là trẻ con.

Một giáo viên chủ nhiệm làm ngơ với điều đó, dù rằng về lý thì cô chẳng có liên quan gì cả, vì việc quỹ liên hoan là do cha mẹ học sinh, nhưng với tư cách một nhà giáo, cô được quyền lên tiếng để bảo vệ đứa trẻ, hoặc cô có quyền kêu gọi một mạnh thường quân nào đó ủng hộ phần ăn cho trẻ, để trẻ không bị thiếu, không bị phân biệt đối xử, bạn có quyền lợi như thế nào, thì mình có quyền được như thế đó, đó là sự công bằng, cho dù cô làm điều đó, sẽ gặp những trở ngại về việc không đồng ý như mẹ của bạn đó, của phụ huynh nào đang bất đồng quan điểm. Thì vẫn còn biểu quyết theo số đông. Đó cũng là một tình huống sư phạm, mà trường lớp đào tạo giáo viên chắc rằng đã được lưu ý. Việc đấu tranh, lên tiếng, phản biện trước điều chưa đúng, chưa phù hợp chính là cho đi sự yêu thương dành cho trẻ. Tôi tiếc rằng, tất cả người lớn đều làm ngơ, và phó mặc sự việc sẽ xảy ra và xảy ra, và đâu đó cũng là cái tình của một tập thể cha mẹ học sinh không có tiếng nói chung, thì tìm đâu ra một ngôi trường hạnh phúc, tìm đâu ra một nơi gọi là ấm áp, khi cái tình giữa phụ huynh học sinh còn chưa có, thì lấy đâu ra cái tình yêu thương để truyền đạt lại cho những đứa trẻ. Có câu nói của nhà sư Thích Nhất Hạnh: “Khi ta trồng cây, mà cây không lớn tốt, ta không đổ lỗi cho cái cây, mà đi xem xét các lý do vì sao lại như vậy: thiếu nước, thiếu phân bón, hay thiếu ánh nắng mặt trời. Vậy nhưng khi ta có vấn đề với bạn bè hay gia đình ta, ta lại đổ lỗi cho họ. Nếu ta biết cách quan tâm họ, họ cũng sẽ “lớn tốt”, như cây cối vậy. Đổ lỗi cho ai đó hoàn toàn là vô nghĩa, tranh cãi cũng vậy. Đó là kinh nghiệm của tôi. Không đổ lỗi cho ai, không tranh cãi, chỉ đơn giản là hiểu. Nếu ta hiểu vấn đề, và thể hiện ra điều đó, ta sẽ luôn có thể yêu thương, và vấn đề đó sẽ được giải quyết”. Qua đây ta thấy, một môi trường học tập ra sức thực hiện chủ đề, trường học hạnh phúc, học sinh hạnh phúc, phụ huynh hạnh phúc, thầy cô hạnh phúc, lớp học hạnh phúc, chúng ta cần phải cố gắng, cần nhìn nhận để thực hiện thêm nữa để đúng với ý nghĩa hai từ “Hạnh phúc’’.

Câu chuyện về một đứa trẻ không được ăn liên hoan, mà mạng xã hội có quá nhiều luồng ý kiến, những ý kiến, những chia sẻ về ký ức của những người lớn đã đi qua những năm tháng học trò bị phân biệt đối xử, trải nghiệm những cảm xúc không mấy tốt đẹp về thầy cô, và chúng ta nhận thấy rằng, không có nghề nghiệp nào mà ảnh hưởng, nhân cách đạo đức lối sống của một con người to lớn, khắc sâu như nhà giáo cả. Để làm công việc này, chúng ta ngoài việc kiếm sống, ai làm việc mà không vì kế sinh nhai, xong trách nhiệm là lãnh lương hàng tháng, là về lo gia đình của mình. Tuy nhiên, ý nghĩa và sứ mệnh công việc của nhà giáo còn cho đi sự yêu thương, cho đi niềm tin hy vọng, về một ước mơ, về những tương lai ở phía trước, trao cho trẻ vô cùng ánh sáng ở phía cuối con đường, đừng bao giờ áp đặt lên đứa trẻ những đố kỵ, sân si của người lớn. Là thầy cô giáo, là một nghề mà trọng trách xã hội giao phó, cái công việc tưởng chừng đơn giản nhưng không hề đơn giản, vì  Nelson Mandela - cựu Tổng thống Nam Phi đã có những câu nói rất chính xác về giáo dục: “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Bệnh nhân chết dưới bàn tay của các bác sĩ của nền giáo dục đấy. Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư của nền giáo dục đấy. Tiền bị mất trong tay của các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục đấy. Nhân loại chết dưới bàn tay của các học giả tôn giáo của nền giáo dục đấy. Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục đấy. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia…”.

Từ một câu chuyện nhỏ, vào cuối năm học, chúng ta cần nhìn nhận lại những điều được và chưa được, bên cạnh vô số những thành tích, những bằng khen, những hình ảnh đẹp, phấn khởi, nhưng bên cạnh vẫn còn những điều chưa được, âu cũng là bài học, là một kinh nghiệm là một cách để ý thức để làm tốt hơn công việc của nhà giáo được tốt đẹp hơn, được hoàn thiện hơn, để xã hội chúng ta thêm nhiều ý nghĩa nhân văn và giá trị hơn. Cho trẻ sự yêu thương là cho giá trị cả cuộc đời, trẻ biết yêu thương, chia sẻ với bạn bè, đồng cảm trước những tổn thương mất mát của người khác sẽ là những đứa trẻ tốt, vì hơn ai hết được sinh ra và lớn lên trong xã hội loài người, dù ở vị trí nào, công việc nào, con người ta đều mong cầu giá trị hạnh phúc, được quan tâm và yêu thương. Con đường giáo dục ngắn nhất là cho trẻ tình yêu thương bằng cái tâm và trách nhiệm vì một thế hệ nối tiếp mai sau.

Nhà giáo Hồ Xuân Đà