Thứ năm, 27/6/2024, 16h27

Đổi mới tư duy quản lý để đáp ứng yêu cầu mới của ngành giáo dục

Cuộc cách mạng khoa học công nghệ, kỹ thuật số... đang tác động mạnh mẽ đến giáo dục. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục với vai trò “đầu tàu” sẽ quyết định hướng đi và tốc độ đổi mới của cả hệ thống giáo dục.


Theo tác giả, để thực hiện đổi mới, hiệu trưởng phải là người có tư duy sáng tạo, sẵn sàng tiếp nhận sự đổi mới, tiên phong phá bỏ mọi rào cản trong tư duy cũ, lỗi thời (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi

1. Là một cánh chim đầu đàn trong tập thể sư phạm, người hiệu trưởng phải xây dựng tư duy quản lý mới, trang bị cho mình những kiến thức mới về lý luận quản lý hiện đại, nghiệp vụ quản lý mang tính chuyên nghiệp, đặc biệt cần có các kỹ năng quản lý của thế kỷ 21 để định hướng cho tập thể sư phạm vận hành theo mô hình trường học hiện đại. Để lãnh đạo tốt công tác chính trị, tư tưởng, người hiệu trưởng phải cập nhật thông tin thời sự trong nước và quốc tế, bao gồm các lĩnh vực, các đường lối, chính sách mới của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, cần trang bị kiến thức mang tính đa ngành, đặc biệt là tư duy phân tích, tổng hợp phản biện... có thế mới bắt kịp xu hướng thời đại. 

Người hiệu trưởng cần nhìn thấy một cách tổng thể bức tranh toàn cảnh của giáo dục trong nước và thế giới, nắm bắt được xu thế phát triển của giáo dục. Tư duy chiến lược là điều vô cùng quan trọng, giúp tiên đoán và phân tích các yếu tố để hoạch định bước đi trong tương lai. Từ mục tiêu tổng thể, nhà quản lý sẽ quyết định tầm nhìn, sứ mạng, giá trị, xây dựng và thực hiện các chương trình hành động phát triển nhà trường. Ngoài ra, người hiệu trưởng phải hiểu đầy đủ ý nghĩa, mục đích yêu cầu của việc đổi mới giáo dục, sẽ quản lý nhà trường theo tinh thần đổi mới trên cơ sở tư duy lại những quan niệm về giáo dục, về quản lý, nhà giáo, người học, về quá trình dạy học, phương pháp giáo dục, nắm vững chuẩn nghề nghiệp mới, bồi dưỡng thường xuyên các kỹ năng. Đổi mới tư duy quản lý còn lôi cuốn, thúc đẩy tập thể sư phạm nhà trường đoàn kết, thống nhất ý chí đi theo con đường đổi mới. Trên quyết tâm đổi mới ấy, mọi người sẽ tích cực học tập, tự giác rèn luyện, nâng cao tinh thần trách nhiệm, mạnh dạn loại bỏ những hình thức giáo dục lạc hậu, chậm tiến, áp dụng những phương pháp giáo dục mới phù hợp, hiệu quả với từng hoạt động và từng đối tượng học sinh.

Đổi mới quản lý nhà trường là một việc làm rất ý nghĩa và cần thiết nhưng không phải dễ thực hiện. Vì nề nếp làm việc, thói quen cũ đang còn tồn tại, in sâu trong tiềm thức của mỗi người, kể cả bản thân người cán bộ quản lý. Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ quản lý vẫn còn làm việc theo lối mòn, vẫn “yên thân tự tại” với vốn kiến thức và kinh nghiệm quản lý cũ. Nếu không thay đổi tư duy quản lý chắc chắn sẽ bị tụt hậu trước đà tiến của xã hội, quản lý không hiệu quả, gây ảnh hưởng không hay đến tập thể. Ngược lại, nếu người hiệu trưởng có sự quyết tâm, tích cực học hỏi và biết liên kết, tập họp lực lượng, biết tôn trọng những thành quả đổi mới đạt được, biết nắm bắt cập nhật, khai thác những lợi thế do tiến bộ thời đại đem lại thì cái mới sẽ hình thành, phát triển, việc đổi mới quản lý giáo dục sẽ thành công.

2. Người hiệu trưởng cần nhìn thấy được hướng đi và đặc điểm mô hình trường học mới. Ví như một thuyền trưởng trên con tàu giáo dục, người hiệu trưởng cần vững tay lái vượt qua hành trình hải lý đầy khó khăn, thách thức, để thích ứng với sự chuyển đổi mang tính đột phá, đưa con tàu giáo dục đến bến bờ của mô hình trường học mới. Sứ mạng cao cả của trường học mới là giúp mỗi học sinh bộc lộ hết những tiềm năng vốn có, để học sinh có thể sống có ích cho bản thân, cho gia đình và xã hội. Các em sẽ vừa học, vừa làm theo đúng những yêu cầu đề ra trong triết lý giáo dục: “Học để tồn tại, học để làm và học để chung sống, học để tự khẳng định mình” để trở thành công dân toàn cầu. Học sinh không chỉ học trong sách vở, tài liệu mà còn học qua nhiều hình thức khác; sẽ chuyển từ học ghi nhớ kiến thức sang hình thành năng lực vận dụng, thích nghi, giải quyết vấn đề, tư duy độc lập.

Sự tiến bộ của công nghệ thông tin làm xuất hiện những loại hình đào tạo mới. Hệ thống đào tạo trực tuyến đại chúng, đào tạo online, đào tạo từ xa là những loại hình đào tạo mới thách thức các phương thức đào tạo của nhà trường truyền thống. Vai trò người thầy cũng thay đổi từ truyền thụ kiến thức thành người tổ chức hướng dẫn học sinh hoạt động, không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy những “cái đầu biết suy nghĩ”. Người thầy hướng dẫn học sinh tự học, tự tiến bộ, tự tư duy, chú ý rèn luyện phương pháp giải quyết vấn đề và giáo dục kỹ năng nhận thức, kỹ năng xã hội, xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp. Điều đáng nói, kết quả cuối cùng không còn là bằng cấp mà chính là giá trị mỗi người tạo ra cho xã hội.

Vai trò của người hiệu trưởng trong trường học mới rất quan trọng. Trước mắt, mô hình trường học mới chưa hình thành rõ nét, những đặc điểm tiên tiến chưa thể hiện nhiều, song trong quá trình hướng tới đổi mới giáo dục toàn diện, người hiệu trưởng nên có tinh thần chủ động, đón đầu. Cần tích cực trang bị tư duy quản lý mới, thường xuyên cập nhật lý luận quản lý và nghiệp vụ quản lý mới, nhất là bổ sung những nội hàm quản lý phù hợp, điều chỉnh cơ bản cách thức quản lý hiệu quả, kể cả hình thành phong cách quản lý thích ứng với mô hình trường học mới có nhiều thay đổi. Vai trò đứng đầu của người hiệu trưởng tập trung vào lãnh đạo sự thay đổi để phát triển nhà trường, coi sự thay đổi là sự sáng tạo và niềm vui thực sự. Khả năng thích ứng, không ngừng tiếp thu điều mới là yếu tố vô cùng quan trọng đối với nhà quản lý giáo dục thời đại 4.0. Để cải thiện năng lực thích ứng, người hiệu trưởng cần nhận rõ, phân tích điểm mạnh, yếu của bản thân, của trường mình, thấy được nhu cầu, giá trị nhà trường và động viên mọi người thay đổi tích cực để thích ứng với cái mới.

Để thực hiện đổi mới, hiệu trưởng phải là người có tư duy sáng tạo, sẵn sàng tiếp nhận sự đổi mới, tiên phong phá bỏ mọi rào cản trong tư duy cũ, lỗi thời. Bên cạnh đó, còn vận dụng kiến thức tâm lý để tạo bầu không khí làm việc tích cực, biết đồng cảm, chia sẻ và truyền cảm hứng đến người khác, biết gắn kết, lôi cuốn được sự tham gia của tập thể sư phạm và các lực lượng trong xã hội hướng đến mục tiêu chung. Khi thông tin không còn là đặc quyền của riêng ai, văn hóa quản lý cũng thay đổi. Mọi người đều bình đẳng tiếp cận nguồn thông tin đa dạng, tiện ích, trong đó có kiến thức nghề nghiệp được phổ biến sâu rộng sẽ xóa bỏ rào cản, khoảng cách, phân biệt. Từ đó mối quan hệ quản lý cũng thay đổi: công khai, minh bạch, tôn trọng lẫn nhau, chấp nhận ý kiến phản biện. Phong cách quản lý sẽ chuyển đổi từ mệnh lệnh, quan liêu sang dân chủ, thân thiện, hợp tác.

ThS. Trần Thị Minh Thi
(nguyên Hiệu trưởng Trường
THCS Khánh Hội A, Q.4, TP.HCM)