Thứ năm, 27/6/2024, 16h09

Gặp nhau, mình nói những gì?

Tô hồng thế giới bởi những điều nhân nghĩa đầy ấm áp và thiện lành hay thẳng thắn nhìn nhận những gồ ghề, gai góc còn xuất hiện hằng ngày trong muôn màu cuộc sống? Chúng ta sẽ chọn cách nào để thực hành nhịp sống của bản thân mình?

Một cá nhân trở nên thu hút mọi người là do nhiều yếu tố, trong đó có sự chia sẻ thông tin vào những dịp gặp nhau hàn huyên tâm sự, trà dư tửu hậu hay những cuộc đối thoại, thảo luận trước đám đông. Có người quan niệm cần xây dựng cho mình lối sống tích cực, lạc quan, luôn trích dẫn và phân tích những điều tốt đẹp trong cuộc sống để tạo nên một hệ sinh thái sinh hoạt lành mạnh, vui khỏe. Nhưng cũng có người cho rằng, việc nêu ra những hiện trạng, những vấn đề bức xúc mới khiến cho chúng ta có được cơ hội nhìn nhận ra bản chất hai mặt như là sự tất yếu của cuộc sống này, biến cải thế giới từ hỗn độn, ngột ngạt trở nên ngăn nắp, an toàn. Thế nên, tự lúc nào chẳng rõ đã hình thành nên cuộc tranh luận: nên nói và nghĩ nhiều về cái tốt hay cái xấu?

Bản thân câu chuyện về điều thiện hay cái xấu không hẳn là sẽ tự thân tạo nên sự tích cực hay tiêu cực mà còn phụ thuộc vào người kể (người truyền đạt thông tin) và người nghe (người tiếp nhận thông tin). Một ai bất kỳ vẫn có thể kể lại câu chuyện tốt đẹp nhằm mục đích xấu xí (ví dụ để gieo rắc lòng đố kỵ, nỗi ấm ức…) và ngược lại, một ai bất kỳ cũng có thể kể lại thông tin về cái xấu nhưng nhằm mục đích ý nghĩa là răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn. Còn về phía người tiếp nhận, tâm thế đón nhận cũng không kém phần quan trọng. Đừng quá bị kích thích bởi những thông tin xấu mà dễ dàng trúng phải cái bẫy “câu view” hay cái bẫy của sự nóng giận. Ngược lại, đừng quá dửng dưng, thờ ơ trước những điều thiện lành mà bản thân được nghe kể hoặc được chứng kiến. Hãy luôn tạo ra sự cân bằng cho cả hai chiều hướng. Cũng đừng vội vàng kết luận những người thích nghe, thích đọc thông tin giật gân, thông tin xấu là những người hiếu kỳ, tò mò vô lối, cần phải xem lại sở thích tiếp nhận. Hay những người thích nghe, thích đọc các gương tốt, gương thiện thì sẽ tạo được tâm lý bình ổn trước những hoàn cảnh tiêu cực bất ngờ xảy ra trước mặt.

Cuối cùng, chúng ta cần tâm niệm rằng: thông tin xấu, sở dĩ tồn tại chính là để thông tin tốt có cơ sở để tạo ra sự phân biệt. Biết thông tin xấu là để lấy đó mà cảnh giác, tránh xa, và trân trọng những thông tin tốt đẹp.

Trần Xuân Tiến