Thứ ba, 25/6/2024, 10h23

Phim truyền hình đang bất công với nhân vật nữ chính?

Theo dõi nhiều phim truyền hình, dễ thấy các nhân vật nữ thường trở thành tâm điểm chỉ trích của người xem.

Sau hơn 3 tháng lên sóng, tập cuối phim Người một nhà phát sóng ngày 21/6 đã khép lại với cái kết viên mãn. Gia đình Trí - Tuệ sống cùng nhau, bà Thư vào chùa ở. Khải tự thú, đi cải tạo 5 năm, gửi con cho Trí nuôi. Ông Đông cũng bị bắt, Long sống trên đống tiền nhưng không thấy hạnh phúc.

Dù cái kết có hậu nhưng khán giả chưa thỏa mãn trọn vẹn do còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp như bố của Trí là ai, vì sao bà Thư đang ở với bố Tuệ lại có con với người khác hay Khanh có day dứt vì đối xử tệ với anh chồng?

2 vai Ngân Hà (Hồng Diễm đóng, giữa) và An Nhiên (Lương Thu Trang đóng, phía sau) trong Trạm cứu hộ trái tim đều gây tranh cãi

2 vai Ngân Hà (Hồng Diễm đóng, giữa) và An Nhiên (Lương Thu Trang đóng, phía sau) trong Trạm cứu hộ trái tim đều gây tranh cãi

Trong phim, 2 nhân vật nữ là bà Thư (Vân Dung đóng) và Khanh (Thanh Hương đóng) gây ra nhiều tranh cãi vì được mô tả khá xấu xí. Bà Thư là người mẹ hám tiền, bỏ rơi con. Đến gần cuối phim, nhân vật này mới lộ ra những góc khuất giải thích vì sao bà cư xử lạnh lùng, vô cảm với con.

Có điều lý giải này muộn màng và diễn viên Vân Dung đã hứng “gạch đá” suốt thời gian phim chiếu, đến mức chị phải lên tiếng xin khán giả “đừng chửi nữa”. Nữ diễn viên Thanh Hương cũng gây ức chế với vai diễn người vợ, người em chồng không biết điều, ích kỷ, tham lam. Không ít khán giả quá bức xúc còn vào trang cá nhân của nữ diễn viên để thể hiện sự tức giận.

Chia sẻ trong chương trình VTV kết nối, nữ diễn viên cho biết không bất ngờ với phản ứng của khán giả. Nhân vật của cô được xây dựng với những tính cách đối lập, những mâu thuẫn tạo nên hình ảnh vừa đáng thương vừa đáng trách, nhưng đáng trách nhiều hơn. Khanh gây sức ép với Trí khiến anh phải bỏ nhà đi. Khi Trí từ chối xét nghiệm ghép gan cho bé Mầm, Khanh càng chì chiết anh.

Phim Trạm cứu hộ trái tim cũng có 2 nhân vật nữ “bị ném đá” là Ngân Hà (Hồng Diễm đóng) và An Nhiên (Lương Thu Trang đóng). Nữ chính Ngân Hà được khắc họa mờ nhạt, là người phụ nữ yếu đuối, vô dụng trong mọi tình huống. Những rắc rối xảy đến với Ngân Hà đều được người khác gỡ giùm. An Nhiên khiến người xem ghê sợ vì sự thủ đoạn, hám tiền. Cô để chồng lấy người phụ nữ khác nhằm mục đích trả thù, làm giả giấy tờ xét nghiệm ADN để che giấu chồng chuyện ngoại tình, vu khống mẹ chồng làm mình sảy thai.

Ngoài ra còn có nhân vật Mỹ Đình ban đầu được người xem yêu thích vì tính cách thẳng thắn, hết lòng vì bạn. Nhưng càng về sau nhân vật này lại gây khó chịu vì sự ồn ào, vô duyên của mình.

Theo dõi nhiều phim truyền hình, dễ thấy các nhân vật nữ thường trở thành tâm điểm chỉ trích của người xem. Nếu không là bà mẹ chồng khó tính, xét nét, hay can thiệp đời sống riêng của con cái như bà Giang (phim Mình yêu nhau bình yên thôi), bà Thu Lê (phim Lỡ hẹn với ngày xanh) thì là những người vợ, con dâu “khó ở” như Hân (Mình yêu nhau bình yên thôi), Khanh (Người một nhà). Không là những phụ nữ yếu đuối, vô dụng như Ngân Hà (Trạm cứu hộ trái tim), Hoàng My (Hãy nói lời yêu) thì lại là những cô gái cao ngạo như Thanh (Lối về miền hoa); vô tư quá hóa vô duyên như Ly (Đừng nói khi yêu), Mỹ Đình (Trạm cứu hộ trái tim); vừa trẻ con vừa ích kỷ, ưa tị nạnh như Thảo (Món quà của cha).

Việc xây dựng một hay nhiều nhân vật khiến khán giả tranh cãi là thủ pháp nhằm tạo sự hấp dẫn, kịch tính cho phim. Tuy nhiên nếu để các nhân vật “bị ném đá” ở vào tuyến phụ hoặc phản diện người xem dễ chấp nhận hơn. Xây dựng những nhân vật nữ chính, không phải thuộc tuyến phản diện nhưng lại khó ưa hơn cả nhân vật phản diện, phải chăng các nhà làm phim đang bất công với nhân vật nữ chỉ để thu hút người xem?

Theo Hương Nhu/PNO