Thứ sáu, 28/6/2024, 11h31

Tôi học viết báo

Tôi có ước mơ trở thành nhà văn từ khi học lớp 5. Khi đó, có một lần ba tôi đem về cho tôi cuốn tiểu thuyết tự truyện “Sống nhờ” của nhà văn Mạnh Phú Tư. Tôi đã đọc say sưa và ước ao mình có thể kể lại câu chuyện của chính mình...

Sau đó, tôi bắt tay vào viết và được độ mươi trang thì… bí! Vì bản thân tôi không có chuyện gì để kể lại, hơn nữa cũng không có khả năng… sáng tác thành câu chuyện có thể hấp dẫn người đọc. Dẫu vậy, ước mơ đó không bao giờ tắt đi. Đến lớp 8, lớp 9 tôi bắt đầu sáng tác những bài thơ, những mẩu chuyện ngăn ngắn để tham gia các cuộc thi báo tường, báo tập. Đến năm lớp 10, tôi thực sự định hướng mình sẽ theo nghề viết báo. Bấy giờ, ở nông thôn, nghề báo khá xa lạ với rất nhiều người. Gia đình, họ hàng của tôi thì đời đời chỉ làm nông. Tôi thích nghề báo vì thường xuyên nghe radio, nhận ra việc thu thập thông tin để phản ánh đến cho người khác là một công việc rất thú vị. Đôi lúc, tôi còn thoáng nghĩ, nếu bản thân làm nghề báo thì có thể giúp cho một số người khác nói tiếng nói của mình, chia sẻ những hoàn cảnh khó khăn, oan khuất, đề xuất những giải pháp có ích cho xã hội. Tôi bắt đầu “học” công việc của nghề báo, bắt đầu từ việc nghe kỹ các bản tin. Có thời gian, ngày nào tôi cũng bỏ công chép lại một cách tóm lược các bản tin thời sự, điều mà sau này tôi mới biết đó là công việc của một người chép sử biên niên. Đến khi học đại học, tôi tình cờ đọc các quyển “Việc từng ngày” của tác giả Đoàn Thêm thì tôi mới biết cái việc mình làm năm xưa thực ra đã có người làm và làm một cách bài bản, hệ thống rồi.

Từ năm lớp 10, tôi bắt đầu sáng tác: thơ, truyện ngắn, tản văn… Có lúc, tôi còn viết tiểu thuyết chương hồi về các chuyện trong lớp, do học theo cách viết từ “Đông Chu liệt quốc”, “Tam quốc diễn nghĩa”, “Thủy hử”… mà tôi mượn từ thư viện trường và đọc đến tận khuya. Những “tác phẩm” đó phần lớn không còn, nhưng cũng sót lại một ít thì sau này đọc lại, tôi thấy thật buồn cười. Nhưng dẫu vậy, đó cũng là bước đầu học nghề viết và tự rèn luyện một cách cần mẫn của tôi, và ít nhất là đã trau dồi kỹ năng viết. Năm lớp 11, tôi có một số bài thơ và truyện ngắn đạt giải cao trong các cuộc thi của Trường THPT Tân Phú (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai). Tôi tham gia câu lạc bộ văn nghệ của trường, tích cực dự các buổi sinh hoạt, mà có lần đi về trên Quốc lộ 20 lúc đêm, trời tối mịt, tôi đạp xe từ lề đường bên này… đâm qua lề đường bên kia! Được thầy giáo dạy văn khích lệ, tôi chăm chỉ sáng tác. Một lần, nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, tôi được đi cùng với thầy dự một buổi họp mặt ở bệnh viện huyện. Tôi được mời lên đọc một bài thơ ca ngợi người thầy thuốc, được nhiều người khen ngợi. Chính bác sĩ giám đốc bệnh viện đã trực tiếp đến gặp tôi và xin bản chép tay bài thơ đó. Tôi sung sướng vô cùng! Từ năm lớp 11, tôi bắt đầu gửi các tác phẩm sáng tác cho một số tờ báo thời bấy giờ: Mực tím, Hoa học trò, Kiến thức ngày nay, Thế giới mới… Đây là những tờ báo, tạp chí tôi đọc khá thường xuyên được mua từ khoản tiền tiết kiệm ít ỏi khi đi làm thêm vào cuối tuần hoặc để dành từ tiền ăn sáng, uống nước. Do sạp báo đó là của gia đình người bạn thân học cùng lớp nên có khi tôi ghé “đọc cọp”, thấy tờ hay mới mua, còn không thì thôi! Tôi không biết đã viết bao nhiêu bài nhưng chưa từng có bài nào được đăng. Tôi rất thất vọng, đến độ có lần viết thư cho một tòa soạn nào đó (giờ tôi không còn nhớ) rằng “làm ơn xem xét đăng giùm đi, chứ tôi sắp hết kiên nhẫn rồi!”. Bây giờ nghĩ lại mới thấy hồi đó thiệt là… trẻ trâu! Bởi sau này tình cờ tôi đọc lại một bài viết được chép lại trong một cuốn sổ tay thì mới biết trình độ chữ nghĩa của tôi thế nào! Ấy vậy mà đòi hỏi! Do đó, tên của tôi chỉ xuất hiện thường xuyên ở mục… “Hộp thư bạn đọc” của các báo. Nhưng rốt cuộc tôi không mất kiên nhẫn mà vẫn tiếp tục viết cho đến khi học năm thứ hai của đại học thì cũng có tác phẩm đầu tiên được đăng báo. Kể ra tôi phải mất khoảng 4 năm dò dẫm, tự học để có được bài báo đầu tiên!

Hết lớp 12, tôi đăng ký thi vào ngành báo chí. Sau buổi thi, tôi chắc mẩm mình sẽ đậu nên thay vì ở lại thi tiếp trường luật thì tôi đón xe đò về nhà. Ba tôi không bằng lòng (có lẽ sợ tôi không đậu!) nên bắt tôi quay trở lại thi tiếp. Rốt cuộc tôi đậu hai trường nhưng đã chọn học ngành báo chí mà không chút do dự. Thời gian này, tôi tích cực tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ Phóng viên trẻ (ở Nhà Văn hóa Thanh niên thành phố), dự các hoạt động mà mình có thông tin rồi tự viết tin bài trong một cuốn sổ tay. Viết xong thì tự đọc, tự sửa, kết hợp với kiến thức trên lớp. Tôi tự thấy nhờ vậy mà kỹ năng của mình dần được nâng lên. Những bài viết dần bớt ngô nghê, vụng về và dĩ nhiên, từ năm thứ ba trở đi, các bài viết được đăng thường xuyên. Tôi được một tờ báo ký hợp đồng và chính thức bước vào nghề báo...

Sau này nghĩ lại, điều tôi tiếc rẻ là giá như mình có ai đó hướng dẫn, chỉ bảo, dìu dắt, gợi mở thì hẳn tôi sẽ tiến bộ sớm hơn, nhanh hơn, đỡ mất thời gian mò mẫm. Nhưng hẳn điều gì cũng có giá của nó. Sự tự học làm cho tôi trưởng thành một cách chắc chắn hơn. Bởi sau này tôi nhận thấy, bản thân không thực sự giỏi giang nên gặt hái được thành tựu gì đáng kể, nếu đốt cháy giai đoạn học việc ban đầu chắc chắn tôi sẽ không có nền tảng tốt, thì về sau sẽ không thể trụ được với nghề viết được. Nhờ tự đọc, tự học một cách bền bỉ, tôi sống được với nghề, viết được nhiều lĩnh vực với mỗi năm trên dưới hai trăm bài viết đăng ở nhiều báo, tạp chí, dù có thời gian công tác ở cơ quan báo chí hoặc có lúc gián đoạn. Trải qua hơn 25 năm viết báo, tôi đã cộng tác cho khoảng 50 tờ báo, tạp chí của Trung ương, thành phố và một số tỉnh/thành với hàng ngàn bài báo lớn nhỏ, đã giành được nhiều giải báo chí các cấp, từ Trung ương cho đến các địa phương. “Gia tài” đó không lớn lao gì nhưng cũng là niềm tự hào của tôi vì đã thực sự sống với nghề theo nhiều nghĩa.

Đến khi tham gia giảng dạy báo chí và truyền thông ở nhiều trường cao đẳng, đại học, từ kinh nghiệm thực tế của mình, tôi quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ cho các sinh viên có đam mê viết để các em tránh phải mất thời gian học việc quá lâu như tôi. Có nhiều em rất giỏi mà tôi luôn thẳng thắn thừa nhận rằng ở tuổi như em, tôi hoàn toàn không bì được. Nhận thức đó giúp tôi không ngừng tự học, tự rèn luyện chứ không dám lơ là, bởi sự thay đổi của kỹ thuật làm báo, viết báo đang diễn ra rất nhanh, nhất là trong mươi năm gần đây.

Khi có hơn 25 năm làm báo, tôi bắt đầu tập hợp các tác phẩm để in sách. Nhiều năm qua, bình quân mỗi năm có hai đầu sách ra đời. Tôi vẫn chưa thành nhà văn nhưng đã thỏa được đam mê viết lách của mình thuở thiếu thời! Nếu được chọn lại, tôi sẽ vẫn chọn làm nghề báo, công việc tôi luôn thấy có sự hứng khởi, đam mê và ít nhiều có đóng góp với đời!

Nguyễn Minh Hải